Nội Dung
Khi xây dựng và phát triển một doanh nghiệp, bạn sẽ phải hiểu rõ rất nhiều thuật ngữ khác nhau để có thể vận hành một cách hiệu quả. Tuy vậy vẫn có những thuật ngữ có thể khiến bạn dễ dàng nhầm lẫn, điển hình là Marketing và Branding. Rất nhiều người đã tưởng nhầm hai thuật ngữ này là một. Nhà quản lý cần hiểu và phân biệt được hai khái niệm để từ đó vận dụng chúng một cách hiệu quả để đưa doanh nghiệp của mình phát triển.
Marketing và Branding, bạn là ai?
Vậy chính xác thì Marketing là gì? Branding là gì? Marketing được định nghĩa là tổng hợp của những công cụ, quy trình và chiến lược được sử dụng nhằm quảng bá trực tiếp sản phẩm, dịch vụ và ngay cả cho chính doanh nghiệp. Có thể hiểu Marketing là những hành động nhằm kết nối tới khách hàng và thúc đẩy họ mua và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của bạn.
Trong khi đó Branding lại là một hình thức Marketing nhằm định hình thương hiệu của bạn. Mục đích của Branding là để trả lời những câu hỏi như: Doanh nghiệp bạn là ai? Nhiệm vụ và giá trị doanh nghiệp bạn là gì? Điều gì khiến doanh nghiệp của bạn độc nhất và đặc biệt? Branding chứa tất cả những yếu tố miêu tả được thương hiệu của bạn như logo hay website. Nói tóm lại, nếu Marketing là việc thu hút khách hàng chú ý và tương tác với doanh nghiệp của bạn lần đầu thì Branding là việc khiến họ quay trở lại thường xuyên hơn. Để hiểu đơn giản, lấy ví dụ doanh nghiệp của bạn là một chiếc Big Mac thì Branding chính là phần “sốt đặc biệt” còn Marketing chính là các cách để khiến khách hàng trở nên hứng thú để tìm đến chiếc bánh và ăn (giống như quảng cáo trên TV, quảng cáo trên mạng xã hội hay các chiến dịch truyền thông)
Sự khác biệt giữa Marketing và Branding là gì?
Sau khi hiểu được khái niệm Marketing và Branding là gì thì hãy đi sâu hơn vào việc phân biệt hai thuật ngữ này. Như đã nói ở trên, Marketing được sử dụng để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn thì Branding được sử dụng để định hình thương hiệu của bạn, giúp khách hàng hiểu được doanh nghiệp của bạn là ai. Chính vì vậy, đối với Marketing và Branding, bạn cần có những chiến lược riêng cho cả hai bởi vì chúng phục vụ những mục tiêu khác nhau và cho ra những kết quả khác nhau. Những điểm khác biệt cơ bản giữa Marketing và Branding là:
- Marketing là để thu hút sự chú ý của khách hàng còn Branding là để giữ chân khách hàng ở lại
- Marketing giúp tạo ra doanh thu còn Branding giúp tạo ra độ nhận diện và lòng trung thành khách hàng
- Branding được ưu tiên trước, sau đó mới tới Marketing
- Một chiến lược Marketing sẽ có thời gian nhất định còn Branding thì tồn tại vĩnh viễn
- Ảnh hưởng của Branding lên đội ngũ nhân sự của bạn cũng nhiều như ảnh hưởng đến khách hàng
Marketing là để thu hút sự chú ý của khách hàng còn Branding là để giữ chân khách hàng ở lại
Bất kể doanh nghiệp của bạn đang hoạt động trong lĩnh vực gì, dù lớn hay nhỏ thì bạn vẫn phải đối mặt với vô vàn đối thủ cạnh tranh ngoài kia. Đứng trước sự cạnh tranh gay gắt như vậy, Marketing là một việc bắt buộc nếu bạn muốn doanh nghiệp của mình tạo ra sức ảnh hưởng và thu hút được sự chú ý của khách hàng. Tuy nhiên, sau khi thu hút được sự chú ý của khách hàng rồi thì doanh nghiệp của bạn vẫn cần một thứ để níu chân họ ở lại và đây chính là lúc để Branding tỏa sáng.
Hãy nhớ rằng khách hàng sẽ chỉ muốn mua hàng hay sử dụng dịch vụ đến từ thương hiệu mà họ biết rõ và tin tưởng – vậy nên dù Marketing có thể giúp thương hiệu của bạn xuất hiện trước đúng đối tượng khách hàng thì bạn vẫn cần xây dựng thương hiệu của mình để kết nối với họ. Nên nói tóm lại, bạn cần những chiến lược Marketing để biến thương hiệu của mình trở nên nổi bật so với đối thủ và lôi kéo được sự chú ý với khách hàng, làm họ biết đến sự hiện diện của mình. Nhưng sau đó bạn sẽ cần chiến lược Branding để xây dựng và vun đắp mối quan hệ vừa tạo dựng, biến nó trở thành một mối quan hệ lâu dài bền vững với khách hàng.
Marketing giúp tạo ra doanh thu còn Branding giúp tạo ra độ nhận diện và lòng trung thành khách hàng
Mấu chốt của hầu hết chiến lược Marketing như SEO, Content Marketing hay quảng cáo đều nhằm mục đích tạo ra kết quả và những kết quả này chủ yếu liên quan tới doanh thu. Dĩ nhiên điều này là rất tốt bởi vì phải có doanh thu thì doanh nghiệp mới thành công đúng không?
Tuy nhiên với Branding thì điều này sẽ có chút khác biệt vì nó nhắm tới kết quả dài hạn. Có thể nói Branding không phải là giải pháp hiệu quả nhất nếu doanh nghiệp của bạn đang tìm kiếm doanh thu nhưng nó sẽ là giải pháp tốt nhất để doanh nghiệp xây dựng nhận diện thương hiệu, tạo ra những cảm xúc tích cực cho thương hiệu, tạo dựng được lòng trung thành với khách hàng. Nếu xét về lâu về dài thì tất cả những lợi ích này đều sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tạo ra doanh thu của doanh nghiệp. Khi đề cập đến doanh thu, hãy tưởng tượng Marketing giống như chạy nước rút còn Branding là chạy đường trường.
Branding được ưu tiên trước Marketing
Dân gian ngày xưa có câu “Quả trứng hay con gà có trước?” thì trong kinh doanh nó chính là việc Branding hay Marketing cái nào nên được ưu tiên trước? Trong chiến lược tổng thể khi xây dựng doanh nghiệp, Branding sẽ luôn được ưu tiên trước Marketing bởi một lý do rất đơn giản: Bạn không thể quảng bá sản phẩm cho một thương hiệu còn chưa thành hình!
Chính vì điều này mà khi xây dựng một chiến lược Marketing, bạn cần tập trung vào Branding đầu tiên. Chỉ khi bạn trả lời được những câu hỏi này thì sau đó hãng nghĩ đến việc Marketing:
- Thương hiệu bạn là gì?
- Thương hiệu của bạn mang tới thị trường cái gì?
- Giá trị cốt lõi của bạn là gì?
- Bạn làm thế nào để giao tiếp với khách hàng mục tiêu của mình?
Sau khi trả lời được những câu hỏi trên tức là việc Branding của bạn đã khá tươm tất, từ đó giúp bản thân bạn – nhà quản lý hiểu được doanh nghiệp, hiểu được khách hàng và quan trọng là hiểu được cách để kết nối với khách hàng của mình. Từ đó bạn sẽ xây dựng được một chiến lược Marketing phù hợp và đưa nó vào thực tiễn.
Một chiến lược Marketing sẽ có thời gian nhất định còn Branding thì tồn tại vĩnh viễn
Hãy cứ hiểu đơn giản rằng việc quảng bá tiếp thị doanh nghiệp hiển nhiên là cần thiết nếu muốn xây dựng thành công doanh nghiệp. Tuy nhiên dù bất kể chiến lược Marketing nào bạn đang sử dụng đi chăng nữa thì tính chất của nó vẫn chỉ là tạm thời, mỗi chiến lược Marketing sẽ có thời điểm bắt đầu và kết thúc rõ ràng.
Với Branding thì lại là một câu chuyện khác bởi vì bất kể doanh nghiệp của bạn đang làm gì, đứng ở đâu đi chăng nữa thì vẫn luôn phải thực hiện việc định hình doanh nghiệp, đồng thời vun đắp và xây dựng mối quan hệ bền vững lâu dài với khách hàng của mình. Khi doanh nghiệp của bạn phát triển và tiến hóa thì nó cần đi liền với việc phát triển Branding. Cho nên tóm gọn lại ở đây: Một chiến lược Marketing sẽ có thời gian nhất định còn Branding thì tồn tại vĩnh viễn.
Ảnh hưởng của Branding lên đội ngũ nhân sự của bạn cũng nhiều như ảnh hưởng đến khách hàng
Đội ngũ Marketing sẽ là những người lên ý tưởng và thực thi chiến lược Marketing. Nhưng bạn cần hiểu rằng ngoài tính chất công việc vốn có ra thì họ thực sự không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính việc Marketing đó mà thay vào đó Branding có tác động mạnh mẽ hơn hẳn. Có thể nói ảnh hưởng của Branding lên đội ngũ nhân sự của bạn cũng nhiều như ảnh hưởng đến khách hàng.
Điều này giống như việc bạn cần khách hàng tin tưởng vào thương hiệu của mình để có thể bán được hàng thì nó cũng tương tự với chính nhân sự trong công ty. Khi bạn xây dựng một thương hiệu mà nhân viên của bạn cũng có niềm tin vào đó, chắc chắn họ sẽ làm việc và cống hiến hết mình vào kết quả công việc. Họ sẽ làm việc chăm chỉ hơn, tự thúc đẩy bản thân để đưa ra những ý tưởng tốt nhất và đóng góp cho sự phát triển của công ty.