Châu Á chiếm gần 60% dân số thế giới và 45% GDP toàn cầu. Vì lẽ đó, các chuyên gia cho rằng khu vực này cần phải năng động hơn trên thị trường AI, song hiện tại, gần như chỉ có Trung Quốc cho thấy những bước đi cụ thể trên lĩnh vực này trong khu vực.
Kể từ khi ra mắt các chatbot AI tổng quát như ChatGPT vào tháng 11 năm ngoái, nước Mỹ đã rơi vào vòng xoáy của sự cường điệu, huyên náo cũng như những lời hứa và rủi ro của trí tuệ nhân tạo, theo tạp chí Forbes.
Điều này đã tạo ra hiệu ứng sóng gợn trên toàn thế giới, với việc các nhà đầu tư kỳ vọng lớn vào triển vọng của các công ty có liên quan tới lĩnh vực AI, tiêu biểu như ông lớn ngành chip của Mỹ là Nvidia.
Giá cổ phiếu Nvidia đã tăng cao từ đầu năm 2023, qua đó giúp công ty trở thành hãng chip đầu tiên trên thế giới đạt mức giá trị vốn hóa thị trường (market cap) 1.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cũng bắt đầu lo lắng về mặt tối của việc phát triển AI, chẳng hạn như làm biến mất một số công việc từng được đảm nhận bởi con người.
Thậm chí, một số doanh nghiệp về AI còn cảnh báo rằng công nghệ mới, nếu không được kiểm soát, có thể gây ra mối đe dọa hiện hữu cho nhân loại.
Đó là lý do châu Á đặc biệt quan tâm tới sự phát triển của AI. Châu Á là nơi chiếm gần 60% dân số thế giới và 45% GDP toàn cầu.
Vì lẽ đó, theo Forbes, châu Á phải là người đi đầu trong việc quản lý rủi ro cũng như tìm kiếm cơ hội trên thị trường AI, song dường như mọi thứ đang không diễn ra theo lý thuyết.
Tất nhiên, Trung Quốc vẫn là ngoại lệ trong khu vực vì lĩnh vực AI là ưu tiên trong chính sách của quốc gia này. Tuy nhiên, các nhà phân tích ở châu Á mà Forbes tiếp cận lại phản bác lại quan điểm rằng châu Á đang chậm chân trên lĩnh vực AI.
Họ chỉ ra rằng Nhật Bản và các nền kinh tế hàng đầu châu Á khác như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore đang đi đầu trong sản xuất chất bán dẫn, mạch tích hợp cung cấp sức mạnh tính toán cần thiết để phân tích lượng dữ liệu khổng lồ từ các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).
Trong khi Nhật Bản và những nền kinh tế hàng đầu châu Á khác thực sự là những thị trường quan trọng của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, vốn đang bị chia cắt do căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, thì một khu vực rộng lớn ở châu Á dường như không bị lay chuyển trước những gì có vẻ như là những thay đổi quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Các nền kinh tế như Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thương mại cũng như đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế của họ và tạo ra việc làm cho người dân. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần tính đến việc thị trường lao động sẽ thay đổi ra sao nếu AI phát triển nhanh hơn mức kiểm soát.
Mặc dù sự phát triển của AI hiện tại cũng phần nào đã được “cường điệu hóa” như những gì thị trường tiền điện tử từng ghi nhận, song câu hỏi đặt ra là liệu chính phủ các quốc gia châu Á có đủ khả năng nắm bắt các cơ hội mới hay không.
Đó là lý do các nền tảng quản trị trong khu vực châu Á, chẳng hạn như ASEAN, APEC,… cần làm gì đó lớn lao hơn thay vì chỉ công bố các chính sách và tích cực tham gia ở cấp độ chính trị về cách quản lý lợi ích kinh tế (mà AI có khả năng mang lại cho nền kinh tế của họ) và trong ứng phó với các rủi ro xã hội.
Một cuộc cách mạng do AI tạo ra có thể vẫn sẽ xuất hiện ở nhiều ngành nghề tại khu vực châu Á. Tuy nhiên, trong trường hợp AI phát triển nhanh và không được kiểm soát đúng cách, nó có thể gây ra tình trạng bất ổn do những thay đổi mà nó tạo ra trên thị trường việc làm, qua đó ảnh hưởng tới sinh kế của người dân. Theo Forbes, các nhà lãnh đạo tại châu Á cần “thức tỉnh” sớm thay vì “ngủ quên” như hiện tại trên thị trường AI.