Nội Dung
Nhắc đến Search Marketing, nhiều bạn sẽ nghĩ ngay đến SEO và SEM, những thủ thuật để tối ưu hóa giá bidding từ khóa, làm sao để lên top Google, cách tăng backlink nhanh nhất. Đây là những thuật ngữ thiên hướng về kỹ thuật nên đôi khi bị xem là gian lận để có được kết quả tốt.
Search Marketing là gì?
Trong truyền thông, chúng ta phải quảng cáo nhằm tiếp cận đến đối tượng tiềm năng, những người có nhu cầu, hoặc tạo ra nhu cầu để tìm kiếm khách hàng mới.
Tuy nhiên với Search, những người tìm kiếm là những người đã có nhu cầu, vì thế, điều quan trọng là liệu họ có thể tìm ra bạn, hay nội dung của bạn có đủ hấp dẫn để họ click vào xem không? Vì nếu họ không tìm ra hoặc không chọn website bạn để xem, thì ắt hẳn họ đã chọn đối thủ cạnh tranh của bạn.
Như ông Keith Weed – Global CMO của Unilever cho rằng: “Tìm kiếm – Search Marketing ngày càng quan trọng trong cách người tiêu dùng tham gia vào quá trình mua hàng, nếu bạn không làm tốt trong Search, điều này giống như việc bạn bán hàng mà sản phẩm của bạn không được nằm trên kệ siêu thị vậy.”
Nói cách khác, nhiệm vụ của Search là luôn phải xuất hiện khi khách hàng tìm kiếm, đúng từ khóa và đúng nhu cầu. Search cần được đầu tư lâu dài để đảm bảo luôn có mặt ở những kết quả đầu tiên.
Search Marketing có những hình thức nào?
Hiện nay, Search được chia làm 5 hình thức phổ biến:
- Branding Search: là khi tìm kiếm tên thương hiệu, kết quả cho ra website thương hiệu (thường là trang chủ). Đây là hình thái đơn giản và làm dễ nhất, đôi khi có thể không cần làm nếu thương hiệu của bạn có tên đặc trưng và độc đáo. Tuy nhiên, nếu Branding Search không ra website thương hiệu của bạn, thì chắc chắn bạn đã thua trận. Vì ngay cả khi người tiêu dùng nhớ đến bạn, mà thương hiệu vẫn không có mặt trên digital, hãy xem đó là một thất bại.
- Content Search: là khi người dùng tìm kiếm một chủ đề hoặc cụm từ cụ thể, với mục đích xem và tìm hiểu thêm nhiều thông tin. Theo đó, kết quả Content Search không nên dẫn về trang chủ, mà phải đưa về trang con nói về thông tin người dùng tìm kiếm. Loại hình này vô cùng quan trọng với những người làm nội dung.
- PR Search: một dạng cụ thể hơn của Content Search. Dạng này thường là một chiến lược đưa ra kết quả tìm kiếm tích cực mang tính chất định hướng và giải quyết rủi ro khi thương hiệu đối mặt với khủng hoảng truyền thông.
- Product / E-commerce Search: mong muốn của người dùng khi tìm kiếm dạng này là đi đến trang chi tiết về sản phẩm. Có thể xem đây là cuộc chiến không ngừng nghỉ giữa các trang thương mại điện tử. Dễ hiểu tại vì khi khách hàng có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm mà website của bạn không xuất hiện trên kết quả trả về thì xem như bạn đã mất đi cơ hội bán hàng.
- Specialty Search: các dạng search chuyên biệt, như địa điểm, hình ảnh, video, tin tức… trong đó quan trọng nhất là Location Search ở Google Maps, vì người tiêu dùng có thói quen tìm kiếm những địa điểm gần nhất.
SEM là gì?
Kể từ sau khi các bộ máy tìm kiếm ra đời trên môi trường mạng Internet, cùng với những tiện ích của nó đối với nhu cầu người dùng, số lượng người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm để tra cứu thông tin ngày càng tăng lên đáng kể. Và cho đến ngày nay thì hầu như ai dùng mạng Internet cũng đều sử dụng các công cụ tìm kiếm hàng ngày. Do đó, các nhà cung cấp các cỗ máy tìm kiếm nội dung trên Internet cũng bắt đầu nghĩ đến việc tiếp thị thông qua công cụ tìm kiếm từ rất sớm. Và đó chính là lý do sự ra đời khái niệm về SEM.
SEM bao gồm các hình thức quảng cáo trả tiền theo ngữ cảnh, trả tiền để mua nơi đặt quảng cáo, và trả tiền để xuất hiện quảng cáo. Ngoài ra, SEM cũng bao gồm cả SEO, một phương pháp marketing để tăng sự hiện diện của bạn trên cổ máy tìm kiếm bằng các thủ thuật và cách thức tối ưu hóa website cho công cụ tìm kiếm.
SEO là gì?
SEO (Search Engine Optimization) hay còn gọi là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, là quá trình tăng khả năng hiện diện của trang web trên kết quả tìm kiếm của các công cụ tìm kiếm. Nói tóm lại, trang web xuất hiện ở vị trí càng cao và càng nhiều trong kết quả tìm kiếm thì sẽ càng có nhiều người truy cập vào trang web thông qua công cụ tìm kiếm. SEO có thể nhắm đến nhiều loại tìm kiếm bao gồm tìm kiếm hình ảnh, tìm kiếm video, tìm kiếm các tài liệu học thuật …
Các phương pháp thường dùng để nâng cao thứ hạng của một trang web bao gồm tối ưu hóa trang web (tác động đến mã nguồn, nội dung …) chiến lược SEO có thể được tích hợp trong bộ mã nguồn hay thiết kế của trang web hay doanh nghiệp có thể xây dựng các liên kết từ các trang web khác dẫn về trang web của mình để các công cụ tìm kiếm chọn kết quả trang web của bạn nhằm phục vụ người tìm kiếm trên Internet ứng với một từ khóa cụ thể được người dùng truy vấn.