Nội Dung
Nếu bạn đang có ý định trở thành một người chụp ảnh tự do (freelance photographer), bạn sẽ cần tập trung vào một hoặc hai lĩnh vực có thể giúp duy trì ổn định nguồn thu nhập. Chụp ảnh sự kiện là một lĩnh vực như vậy. Nếu có danh tiếng trong lĩnh vực này, hẳn nhiên bạn sẽ tạo dựng được nền tảng tốt cho sự nghiệp của mình. Vậy hãy tự hỏi: điều gì làm nên một người chụp ảnh sự kiện giỏi và bản thân mình đã có những yếu tố đó chưa? Kinh nghiệm là người thầy vĩ đại, dẫu vậy nếu lần tới được đi chụp ảnh sự kiện, để có một xuất phát điểm tốt, bạn hãy thử áp dụng một vài kinh nghiệm chụp ảnh sự kiện chuyên nghiệp dưới đây.
Kinh nghiệm chụp ảnh sự kiện chuyên nghiệp
1. Chuẩn bị sẵn sàng
Tìm hiểu càng nhiều thông tin càng tốt về sự kiện từ khách hàng: những chi tiết về địa điểm để lựa chọn thiết bị cho phù hợp, thời lượng sự kiện, nội dung chương trình và những nhân vật hay khoảnh khắc quan trọng phải có ảnh.
2. Trang phục phù hợp
Phong cách thời trang có thể khiến bạn trở thành đối tượng bị chú ý giữa đám đông. Vì thế, nên hỏi trước khách hàng xem mặc như nào cho phù hợp.
3. Đem theo thiết bị bạn cần
Lên danh sách để đảm bảo bạn đã mang đủ những thứ mình cần và chọn thiết bị càng đa năng càng tốt. Ví dụ như đem hai máy để thay đổi tiêu cự nhanh chóng, lại có thể đề phòng trường hợp máy móc trục trặc. Hay như pin dự phòng cho đèn flash nếu chương trình kéo dài cả ngày.
4. Đến sớm
Nên đến sớm ít nhất 15 phút so với yêu cầu của khách hàng. Điều này không chỉ giúp giảm nguy cơ đến muộn do tắc đường mà còn cho bạn có thời gian tìm hiểu địa điểm chụp. Ngoài ra, đến sớm sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc lắp đặt đèn hay như có cơ hội điều chỉnh bối cảnh để tiện cho việc chụp ảnh.
Xem thêm: Dịch vụ quay phim chụp ảnh sự kiện
5. Hỏi trước khi chụp
Điều này thoạt nghe có vẻ không cần thiết, nhưng có một số người trong một số tình huống lại không muốn bị chụp ảnh, ví dụ như lúc đang ăn chẳng hạn. Thay vì cứ thấy ai cũng chụp, bạn nên quan sát thái độ của họ, hãy cho họ có thời gian chuẩn bị và tạo dáng. Không có gì đáng tiếc hơn nếu bạn để khách của khách hàng bực mình. Vì thế, hãy luôn tỏ ra lịch sự và tinh tế.
6. Chụp ảnh tập thể sớm nhất có thể
Sự kiên nhẫn của mọi người giảm dần theo thời gian. Vì thế, ở một hội thảo chẳng hạn, bạn nên đề nghị chụp ảnh tập thể ngay sau phiên khai mạc. Nếu bạn để đến cuối buổi thì khi đó sẽ có nhiều người bỏ về từ trước, hay đi vệ sinh, hút thuốc hoặc say sưa nói chuyện với ai đó.
Khi chụp thì bạn nêu nhờ khách hàng cùng sắp xếp vị trí cho phù hợp, cố gắng dồn mọi người đứng sát vào nhau cũng như phân chia hàng lối cho gọn ghẽ.
7. Bức ảnh phản ánh phong cách và cảm xúc của sự kiện
Khác với đám cưới, một sự kiện thương mại đòi hỏi nhiều bộ ảnh khác nhau. Tuy cả hai đều có những yếu tố trang trọng, nhưng sự kiện thương mại thể hiện con người trong bối cảnh chuyên nghiệp, còn đám cưới thì chủ yếu là con người với cảm xúc và niềm vui. Vì thế, thay vì những kiểu ảnh ngẫu nhiên trông đèm đẹp, bạn cần phải nắm chắc yêu cầu của khách hàng là cần chụp ai, cùng với ai, lúc nào và như thế nào…
8. Tập trung vào nhiệm vụ
Khách hàng trả tiền cho bạn để chụp ảnh chứ không phải đến để tán gẫu với những người đến dự sự kiện. Nếu khát, bạn có thể uống nước lọc nhưng nếu được mời rượu bia thì hãy lịch sự từ chối.
9. Xử lí hậu kì
Một sự kiện có hàng trăm đến hàng nghìn ảnh, ngoài việc lựa chọn và xử lí ảnh cho đẹp, thì thời gian cũng là yếu tố quan trọng. Nhìn chung, khách hàng luôn rất thiếu kiên nhẫn khi chờ đợi, vì thế bạn nên thông báo với họ về thời gian và tiến độ, và nhớ là đừng bao giờ sai hẹn với khách hàng.
10. Luôn làm tốt nhất có thể
Nếu khách hàng hài lòng với sản phẩm, bạn sẽ có nhiều hơn cơ hội được tiếp tục làm việc với họ cũng như được giới thiệu với các khách hàng tiềm năng khác. Vì thế, hãy luôn làm tốt nhất trong khả năng. Cũng nhờ đó, bạn có thể chọn ra những bức ảnh đẹp nhất để cho vào hồ sơ của mình khi tiếp cận với những khách hàng mới.
Hướng dẫn kỹ thuật chụp ảnh sự kiện đẹp
Về việc chụp ảnh sự kiện thì thông thường mình thường thấy có 2 trường hợp đó là có sử dụng đèn flash rời và không sử dụng đèn, cả 2 trường hợp này sẽ có cách cài đặt thông số máy khác nhau nên mình sẽ chia ra 2 trường hợp nhỏ để các bạn dễ hiểu.
Đầu tiên đối với trường hợp flash có TTL tự động đo sáng
Thông thường flash có chế độ tự động TTL thì các bạn sẽ khá nhàn hạ khi để cho máy tự đo sáng và ra cho thông sự tự động phù hợp với môi trường và điều kiện ánh sáng, lúc này bạn có thể để chế độ nào mà các bạn thích, có thể để chế độ A ưu tiên khẩu, hoặc chế độ S ưu tiên tốc độ hoặc chế độ M. Dù bạn để chế độ nào thì đèn cũng đã đồng bộ với máy ảnh nên các bạn khá tiện khi chụp ảnh mà không bỏ lỡ khoảnh khắc đẹp. Khi sử dùng chế độ trên đèn flash có TTL kết hợp dùng chế độ A trên máy ảnh thì việc chụp ảnh khá tiện và nhẹ nhàng.
Trường hợp các bạn có flash không có TTL hoặc những nơi có ánh sáng phức tạp thay đổi liên tục thì các bạn cần chuyển đèn flash qua chế độ Manual (M) để chỉnh tay cho phù hợp với môi trường.
Khi sử dụng đèn flash để chụp tiệc thì các bạn sẽ dùng các ống kính có tiêu cự đa dụng và tiêu cự ống kính thông thường từ 18- 200mm. Khi chụp để đủ nét mọi người ( tránh trường hợp người nét người mờ) các bạn để tiêu cự bé nhất có thể để hạn chế hiện tượng xóa phông do tiêu cự.
Lúc này các bạn sẽ khẩu lại để nét đều nhiều người, tầm tiêu cự trên dưới F/5 là ổn. Lúc này ISO các bạn nên đẩy cao lên tầm 800-3200 (tùy vào hoàn cảnh) để tránh hiện tượng khi đánh đèn mặt người sẽ bị cháy sáng và hậu cảnh phía sau lưng bị đen, các bạn có thể sử dụng thêm miếng tay gấu hay loại miếng hắt tản sáng chếch tầm 45-90 độ lên trần nhà để ánh sáng tỏa đều và mềm tránh hiện tượng loang lổ ánh sáng trên mặt khi có mồ hôi. Việc tăng ISO lên cao để có mục đích thứ 2 đó là nó giúp giảm công suất đèn nhằm giúp hồi pin nhanh hơn và pin được chụp thời gian lâu hơn.
Trường hợp flash hết pin, hỏng hay quên mang theo
Trường hợp này bí quá ta mới dùng vì khi đánh đèn flash thường thì ảnh sẽ nét hơn và đỡ bị noise hơn.
Khi bị rơi vào trường hợp này bạn cần bật hay yêu cầu bật tối đa ánh đèn của nơi tổ chức buổi tiệc để cứu vớt lại chút ánh sáng bị thiếu hụt. Ta sẽ có 4 cách chữa cháy khá ổn như sau:
Kinh nghiệm chụp ảnh sự kiện đẹp và hiệu quả
- Tăng ISO máy ảnh lên: Các bạn tăng đến một mức nào đó chấp nhận được để tránh ảnh sẽ bị bệt và noise khi tăng ISO quá cao.
- Giảm tốc độ chụp: Tùy vào ống kính có hỗ trợ chống rung không (có thể tới 1/15 giây chẳng hạn) các bạn cần tận dụng tối đa hỗ trợ của ống kính. Nếu ống Kính bình thường các bạn có thể để tốc độ chụp tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 1/80 giây để hạn chế rung do tay cầm máy ảnh hoặc người được chụp sẽ di chuyển làm mờ và nhòe hình.
- Mở khẩu đến mức có thể: Như trường hợp nói trên thì khi mở khẩu tối đa thì ảnh sẽ bị xóa phông do khẩu độ vì vậy các bạn không nên mở quá lớn khẩu độ, Hoặc các bạn có thể đứng xa ra chủ thể một chút.
- Các bạn có thể tận dụng đèn flash cóc có ở trên thân máy để hạn chế việc tăng ISO, tuy nhiên khi dùng flash cóc ảnh sẽ thường bị bóng da mặt và ánh sáng không đều.
Cám ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết Kinh nghiệm chụp ảnh sự kiện đẹp và hiệu quả.