Nội Dung
Trong các bộ phim chúng ta thường xuyên nghe tới các danh từ chung là Đạo diễn, Biên kịch, Nhà sản xuất vv và vv rồi có lúc lại xuất hiện thêm Đạo diễn hình ảnh, Hoá trang… Vậy họ là ai và có vai trò như thế nào tới sự phát triển của những bộ phim? Một ê-kíp làm phim gồm rất nhiều người và mỗi người đều có những vai trò quan trọng khác nhau, nội dung của bài viết này tạm thời chỉ giới thiệu cơ bản về giám chế là gì và một số vị trí được nhắc tới nhiều nhất mà thôi.
Giám chế là gì?
Nếu đạo diễn là “ông vua” phim trường của điện ảnh thì bên lĩnh vực phim truyền hình vai trò của nhà giám chế rất quan trọng. Giám chế là người trực tiếp giám sát công việc sản xuất ở một bộ phim truyền hình, có quyền quyết định từ A đến Z.
Giám đốc sản xuất hay còn gọi là Giám chế giám sát các khía cạnh vật chất (không phải khía cạnh sáng tạo) của việc sản xuất, bao gồm nhân sự, công nghệ, ngân sách và lịch trình. Trách nhiệm của giám đốc sản xuất là đảm bảo quá trình làm phim diễn ra theo đúng kế hoạch và trong phạm vi ngân sách. Họ cũng quản lý các chi phí hoạt động như tiền lương, chi phí sản xuất, chi phí thuê thiết bị hàng ngày. Giám đốc sản xuất thường hoạt động dưới sự giám sát của line producer và trực tiếp giám sát việc điều phối sản xuất tại trường quay.
Đạo diễn – Ông vua phim trường
Đây là người chịu trách nhiệm chính việc chỉ đạo quá trình thực hiện một bộ phim. Công việc của đạo diễn bắt đầu với việc định hướng nghệ thuật cho bộ phim (thể loại, đối tượng khán giả, nội dung, đạo cụ, phục trang vv…), sau đó là nghiên cứu kịch bản để từ đó lên kế hoạch chi tiết cho việc triển khai dự án: bố cục lại kịch bản hợp lý theo từng phân đoạn, cảnh quay, cái nào quay trước, cái nào quay sau. Tiếp theo đạo diễn sẽ đề xuất hoặc thậm chí là trực tiếp casting chọn các diễn viên cho bộ phim. Một bước cũng rất quan trọng trong công việc của đạo diễn là chọn các địa điểm, phim trường quay phim. Dĩ nhiên đạo diễn cũng phải làm việc với nhà sản xuất về chi phí có thể đầu tư cho phim.
Khi phim bắt đầu quay, đạo diễn sẽ là người trực tiếp chỉ đạo diễn xuất của diễn viên (cảm xúc, cách nhập vai, hành động. Một số diễn viên hạng A có quyền đàm phán với đạo diễn để được phép diễn xuất theo ý mình), chỉ đạo việc chọn các góc quay của cameraman, phối hợp với đạo diễn hình ảnh (DOP) để xem xét hiệu ứng, ánh sáng, kĩ xảo có phù hợp trong bối cảnh này hay không, ví dụ một cảnh quay ban đêm trong rừng thì không thể có chuyện thấy rõ mọi vật như ban ngày được.
Khi bộ phim được quay xong, tuỳ theo thoả thuận ban đầu với nhà sản xuất mà đạo diễn có thể tham gia các khâu hậu kì, ví dụ như giám sát dựng phim, làm việc với nhà soạn nhạc cho phim, duyệt bộ phim thành phẩm.
Ngày nay đạo diễn phim điện ảnh được xem là ông vua trên phim trường, do quyền hạn của đạo diễn rất lớn và chịu trách nhiệm chính trong việc thành-bại của một bộ phim. Đạo diễn sẽ là người quản lý ê-kíp làm phim và đảm bảo mọi việc được tiến hành đúng tiến độ, không vượt chi phí đã được duyệt.
Một đạo diễn nổi tiếng ở Hollywood có thể được trả công tới hàng triệu đô la cho một bộ phim.
Nhà sản xuất – Vai trò của giám chế là gì?
Trong các phim bom tấn hiện nay chúng ta thường thấy tên của nhà sản xuất (Producer) xuất hiện ngay từ những giây đầu giới thiệu phim, bên cạnh đạo diễn và các diễn viên chính. Nhà sản xuất phim được xem là chủ của dự án phim hoặc cũng có khi là một trong các nhà đầu tư kinh phí cho phim. NSX thường phải là người rất có uy tín trong giới để có thể kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, các hãng phim đổ tiền vào đó để làm phim.
NSX thậm chí là người chọn đạo diễn, từ đó họ sẽ làm việc với đạo diễn từ những ngày đầu tiên của một dự án phim ảnh, trước khi phim được bấm máy. Chúng ta có thể thấy nhiều phim bom tấn đang hốt bạc có tên đạo diễn thuộc hàng “lạ hoắc” nhưng rất thành công, một phần nhờ cách “chọn mặt gởi vàng” của các nhà sản xuất.
Biên kịch
Biên kịch là người viết kịch bản của bộ phim. Khi xem một bộ phim là bạn đang thưởng thức tác phẩm của nhà biên kịch được đạo diễn “phổ hình ảnh” từ những con chữ trên kịch bản. Có những bộ phim được xây dựng rất thật, từ những nhân vật, bối cảnh, lời thoại cho tới tính cách nhân vật đều rất chi tiết và chúng ta nghĩ đó là một thế giới, nhưng thực ra đó là sự sáng tạo của nhà biên kịch.
Nhà biên kịch là người đầu tiên tạo dựng toàn bộ câu chuyện trên phim thông qua kịch bản. Nếu đó là một phim được chuyển thể từ truyện, hồi ký hoặc một tác phẩm nghệ thuật khác thì biên kịch là người tham khảo tác phẩm đó rồi xây dựng lại một kịch bản khác để có thể dựng thành phim. Cũng có trường hợp đạo diễn kiêm luôn vai trò là người viết kịch bản.
Một số kịch bản phim còn được chia ra nhiều phần nhỏ, gồm story (cốt truyện chính), screen play (kịch bản), character (các nhân vật trong phim, tính cách của họ).