Nội Dung
Chắc hẳn gần như đa số trong chúng ta đều trải qua giai đoạn mới làm quen với nhiếp ảnh. Bạn cầm một chiếc máy tốt và mẫu xinh chưa từng thấy trong đời bạn. Sau khi chụp xong bạn vò đầu bứt tai khi mà cả trăm tấm ảnh đều bị hư! Giờ biết làm sao đây? Để tránh tình huống khó này, hãy bỏ chút thời gian để lướt qua bài viết về cách chụp ảnh chân dung dưới đây nhé.
Điểm quan trọng nhất bức hình trong cách chụp ảnh chân dung
Với những người đã dày dạn kinh nghiệm, họ chính là bậc thầy hiểu rõ cách chụp ảnh chân dung, họ cũng thường xuyên phá vỡ những quy tắc để sáng tác ra những tác phẩm rất tuyệt.
Tuy nhiên với những người chỉ mới vào nghề như chúng ta, cách tốt nhất để có được những bức ảnh đẹp vẫn là nên tuân theo những quy tắc chụp ảnh đã nằm trong sách giáo khoa từ hàng trăm năm qua. Trong mỗi bức ảnh đều có một điểm trọng tâm mà khi lướt qua, người ta sẽ nhìn thẳng vào đó trước tiên.
Trong ảnh chân dung, đó chính là ĐÔI MẮT, nhấn mạnh viết hoa rằng: ĐÔI MẮT là chủ điểm quan trọng nhất trong chụp chân dung! Vì vậy, trong mọi trường hợp, bạn sẽ phải lấy nét vào đôi mắt, đặt đôi mắt vào trung tâm bức ảnh. Nếu đôi mắt bị mờ thì cả tấm ảnh sẽ mờ tịt theo, không cần biết mọi thứ còn lại nét đẹp như thế nào.
Các cách chụp ảnh chân dung phổ biến
Bố cục giữa tâm bức ảnh
Bố cục này là bố cục kinh điển và rất an toàn. Bạn đặt người mẫu vào đúng tâm bức ảnh, và như thế kiểu gì bức ảnh cũng không tạo cảm giác bị sai. Bố cục giữa tâm nhiều khi rất cần thiết, ví dụ trong chụp kỷ yếu từ 2 người trở lên chẳng hạn.
Xem thêm:
Cách chụp bố cục 1/3
Cách chụp ảnh chân dung 1/3 là loại bố cục kinh điển khác. Nguyên tắc là chia ảnh thành 9 phần bằng nhau như hình dưới. Các điểm giao nhau là điểm quan trọng, các đường thẳng chia 1/3 ảnh là đường quan trọng. Mắt người sẽ bị thu hút vào các đường và điểm đó một cách tự nhiên. Chúng ta đặt các chi tiết cần nhấn mạnh vào đó, ví dụ đôi mắt, người mẫu, đường chân trời…
Bố cục 1/3 giúp người xem có cảm giác tự nhiên, dễ chịu và cân bằng. Nếu các bạn để ý khi xem phim, các bạn sẽ thấy diễn viên thường xuyên được bố trí ở 1/3 màn hình, chứ không phải chính giữa.
Cách chụp ảnh chân dung theo đường thẳng
Mắt người có xu hướng dõi theo đường thẳng một cách tự nhiên. Vì vậy ta có thể dùng những đường thẳng để dẫn người xem tới chủ để bức ảnh. Phổ biến nhất trong chân dung, đó là tìm những đường thẳng tự nhiên như lề đường, hàng cây, thanh ray đường sắt… và đặt người mẫu trên các đường thẳng đó.
Bố cục theo khuôn mẫu lặp lại
Mắt người có xu hướng bị cuốn hút tự nhiên bởi những khuôn mẫu lặp đi lặp lại. Vì vậy những khung cảnh lặp lại sẽ tạo hình nền thú vị cho bức ảnh chân dung của bạn, ví dụ cánh đồng hoa, lá cây,…
Cách chụp ảnh chân dung dạng khung
Bạn có thể tăng chiều sâu bức ảnh bằng những chiếc khung tự nhiên như ô cửa sổ, cây cối, hoặc bất kỳ thứ gì làm thành khung xung quanh người mẫu của bạn.
Trên đây là những nguyên tắc kinh điển trong các cách chụp ảnh chân dung và đã được hàng triệu nhiếp ảnh gia kiểm chứng. Khi mới bắt đầu với nhiếp ảnh, các bạn hãy áp dụng các quy tắc này và một điều chắc chắn rằng, chất lượng bức ảnh của các bạn sẽ cải thiện hơn nhiều. Sau này, khi đã thuần thục, chúng ta có thể “phiêu” và sáng tạo tùy thích.