Thủ tục ăn hỏi: Quy trình lễ ăn hỏi gồm những gì?

Nội Dung

Lễ ăn hỏi dù không mời nhiều bạn bè, người quen nhưng lại quan trọng không kém gì ngày cưới của đôi uyên ương. Dù vậy, không phải ai cũng biết thủ tục lễ ăn hỏi – nghi thức, trình tự diễn ra như thế nào để thực hiện công tác chuẩn bị hoàn hảo nhất. Để các dâu – rể của mình không cần phải tốn quá nhiều thời gian tìm hiểu về vấn đề này, bài viết dưới đây chia sẻ từ A – Z Thủ tục ăn hỏi và những điều cần chuẩn bị, lưu ý.

Thủ tục ăn hỏi là gì? Có nên bỏ qua lễ dạm hỏi hay không?

Lễ hỏi vợ hay lễ đính hôn được coi là một trong những phong tục cưới hỏi trong truyền thống dân tộc Việt Nam. Trước khi nghi lễ ăn hỏi được diễn ra, gia đình hai bên đã có sự thỏa thuận và cho phép đôi uyên ương được dựng vợ gả chồng. Ngày đám hỏi, đoàn đại biểu của họ gia đình nhà trai mang lễ vật đính ước sang gia đình nhà gái để xin cho con trai họ được đính hôn cùng với cô con gái của gia đình. Sau khi nhà gái đồng ý nhận mâm quả sính lễ từ nhà trai, thì chàng trai và cô gái đó sẽ chính thức được gọi là “vợ – chồng” tương lai của nhau, và tập gọi phụ mẫu của “nửa kia” là bố, mẹ.

Bỏ qua lễ đám hỏi có được không?

Ngày nay, để tránh tốn kém và phức tạp, nhiều gia đình thường gộp chung ngày đám hỏi và ngày lễ Vu Quy bên nhà gái làm một. Điều này vô hình trung khiến nhiều người lầm tưởng rằng  nghi lễ đám hỏi đã được loại bỏ. Nhưng thực chất, đám hỏi là việc rất cần thiết, thường được diễn ra một cách long trọng, nhằm để nhà trai thể hiện thành ý và sự trân trọng với cô dâu, cũng như biết ơn công lao dưỡng dục của gia đình nhà gái, đồng thời chúc phúc cho đôi trẻ.

Như vậy, tuy mỗi vùng, miền khác nhau sẽ có những thủ tục dạm hỏi khác nhau, nhưng đều mang ý nghĩa quan trọng và không thể thiếu trong phong tục cưới – hỏi của người Việt.

Kịch bản Chương trình Lễ ăn hỏi chi tiết nhất

Những điều cần chuẩn bị cho thủ tục ăn hỏi miền Bắc – Nam

Số người tham gia

Số người tham trong lễ đám hỏi chủ yếu là bố mẹ, ông bà, người thân trong gia đình, họ hàng và một số bạn bè thân thiết – đội ngũ bưng quả.

Dù là phong tục cưới hỏi miền Bắc hay miền Trung, miền Nam thì cũng không quy định rõ số người phải tham gia là bao nhiêu. Nhưng thông thường, số người tham gia bên nhà trai và nhà gái sẽ không quá chênh lệch (cái này sẽ được bàn bạc trước khi tổ chức đám hỏi).

Đội ngũ bê tráp

Tùy vào thỏa thuận ban đầu giữa hai nhà mà đội ngũ bưng quả sẽ là khác nhau.

+ Ở miền Bắc, đội ngũ bê tráp bắt buộc phải là số lẻ, như: 3, 5, 7, 11 và phải là nam/ nữ chưa vợ, chưa chồng.

+ Ngược lại, ở miền Nam, số người bê tráp thường là số chẵn, và là bạn bè của hai bên cô dâu – chú rể.

Đội ngũ bê tráp bên nhà trai là nam, nhà gái là nữ. Số nữ bưng tráp nhà gái bằng với số nam bưng quả nhà trai

Trình tự các bước trong lễ ăn hỏi

Mâm quả đám hỏi

Không chỉ đội ngũ bưng quả, mà sính lễ ăn hỏi được đựng trong từng mâm quả ở miền Bắc và miền Nam cũng có sự khác biệt. Cụ thể như sau.

Mâm quả hợp lệ trong thủ tục lễ ăn hỏi miền Bắc

Thông thường, số mâm quả ở miền Bắc phải là số lẻ, bao gồm các loại lễ vật dẫn cưới như: Trầu cau, bánh cốm, mứt sen, rượu, chè, thuốc lá, bánh cốm, bánh chưng, bánh đậu xanh, bánh phu thê (bánh xu xê), lợn sữa quay, tiền dẫn cưới,… Một số nhà còn có thêm một tráp đựng áo dài cưới, bông tai, nhẫn, dây chuyền vàng cho cô dâu.

Trong đó:

  • Trầu cau là lễ vật không thể thiếu, là biểu tượng cho tình yêu son sắt mặn nồng của đôi lứa.
  • Rượu, chè, thuốc lá (thuốc lào): Tượng trưng cho lòng hiếu thảo, thành kính của con cái đối với ông bà, tổ tiên.
  • Hoa quả tươi: Mang ý nghĩa hạnh phúc ngọt ngào của đôi lứa
  • Mứt sen: Tượng trưng cho con cái, là kết tinh tình yêu của cô dâu chú rể
  • Bánh hỏi: Những gia đình truyền thống ngày xưa thường dùng bánh cặp – gồm hai thứ bánh, tượng trưng cho âm (nữ) và dương (nam). Trong số đó, các loại bánh cặp thường được dùng trong lễ ăn hỏi miền Bắc nhất là bánh phu thê và bánh cốm.
  • Bánh phu thê tượng trưng cho Dương, bánh cố tượng trưng cho Âm; hoặc bánh chưng và bánh dày (bánh chưng vuông là Âm, bánh dày tròn là Dương). Nếu mâm quả là bánh chưng và bánh dày thì thường có thêm nem để dùng chung.

Đặc biệt: Cả bánh cốm, bánh phu thê, bánh chưng hay bánh dày & quả nem dùng trong lễ dặm hỏi đều được đựng trong hộp giấy màu đỏ, hoặc được bọc trong giấy màu đỏ. Vì màu đỏ tượng trưng cho những điều may mắn và sự vui mừng. Ngày nay, nhiều gia đình thay thế các loại bánh trên bằng xôi gấc và lợn quay.

Đừng nhầm lẫn giữa số lượng lễ vật và số mâm tráp nhé. Trong phong tục cưới hỏi ở miền Bắc, số lượng lễ vật là số chẵn (tượng trưng cho có đôi có cặp) – đựng trong số mâm tráp là số lẻ (tượng trưng cho sự phát triển không ngừng).

Lễ vật đám cưới gồm những gì? Cách bài trí và số lượng

Mâm quả hợp lệ trong thủ tục đám hỏi miền Nam

Khác hoàn toàn với phong tục cưới hỏi của miền Bắc về số lượng, lễ ăn hỏi ở miền Nam yêu cầu số tráp bưng quả phải là số CHẴN – thông thường là 6 tráp vì người miền Nam cho rằng, số 6 là biểu tượng của Tài – Lộc – May mắn và Hạnh phúc. Và số vật phẩm trong mỗi tráp phải là số lẻ – thể hiện cho sự sinh sôi, lớn lên và hình thành gia đình trong sự đầm ấm yêu thương, tài vượng.

Ngoài những lễ vật chung như: Trầu cau, thuốc lá, rượu, chè… thì trong thủ tục đám hỏi ở miền Nam cũng có đôi chút sự khác biệt trong việc chuẩn bị lễ vật dạm hỏi.

  • Bánh xu xê (miền Bắc thường gọi là bánh xu xê) – biểu trưng cho tình cảm keo sơn gắn bó. Thay vì bánh cốm hay bánh chưng – báy dày như ở miền Bắc, người miền Nam thường chọn bánh xu xê hơn. Họ quan niệm rằng chiếc bánh xu xê có hai phần tượng trưng cho Âm (vợ) và Dương (chồng), thể hiện sự gắn kết keo sơn của các cặp đôi. Ở miền Nam, bánh xu xê như một lễ vật thay cho lời chúc phúc dành cho cô dâu – chú rể hết sức quan trọng trong mâm tráp ăn hỏi.
  • Gà quay, lợn quay, xôi & các loại hoa quả: Tượng trưng cho sự thịnh vượng. Khác với miền Bắc có thể có hoặc không có lợn – gà quay đều được, thì đối với người miền nam – đây lại là một trong những lễ vật không thể thiếu. Lợn quay/ gà quay, xôi và các loại hoa quả thể hiện cho quan niệm “có mặn, có ngọt”, thay cho biểu tượng của sự giàu có, thịnh vượng, nhiều của ăn của dành. Đồng thời cũng thể hiện khả năng đảm bảo cho cuộc sống sung túc sau này cho cô gái từ phía nhà trai.

Lễ đen (tiền dẫn cưới)

Trong phong tục đám hỏi ở miền Nam, thường có một tráp gọi là Lễ đen (tiền dẫn cưới). Đây là số tiền nhà gái thách cưới nhà trai, được chuẩn bị trong phong bì song hỷ, đựng trong một chiếc tráp nhỏ và được mẹ chú rể trao tận tay cho mẹ cô dâu. Sau khi mẹ cô dâu nhận tiền cheo thì khay lễ này sẽ được đặt lên bàn thờ chính của nhà gái để tiến hành nghi lễ đám hỏi.

Tiền dẫn cưới mang ý nghĩa để nhà trai góp một phần nhỏ vào việc chuẩn bị lễ cưới hỏi cho đôi lứa, hạn chế gánh nặng kinh tế cho nhà gái.

Tiền dẫn cưới là một lễ vật khá nhạy cảm, nhà gái không nên thách cưới quá cao, gây khó khăn cho họ nhà trai. Đồng thời, nhà trai khi chuẩn bị khay tráp lễ đen cần phải chuẩn bị tiền mới, bỏ trong phong bì song hỷ để tỏ lòng thành và sự trân trọng đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ nhà gái.

thủ tục ăn hỏi

Lễ vật dành riêng cho cô dâu trong lễ ăn hỏi miền Nam

Tráp lễ này thường không bắt buộc, nhưng nhiều gia đình nhà trai vẫn trao thêm để tỏ thành ý muốn rước cô gái về làm dâu họ nhà mình, nhất là những nhà có điều kiện kinh tế khá giả. Thường thì lễ vật dành cho cô dâu là khay đựng áo dài và đồ trang sức. Nếu có lễ vật này thì cô dâu sẽ đợi đến khi lễ vật được trao đến, mới mặc bộ áo dài cưới và trang sức mà gia đình nhà trai mang qua để chào hỏi quan họ hai bên và tiến hành nghi thức ăn hỏi tại nhà gái.

Đám hỏi nên mặc đồ gì?

Vào lễ đính hôn, cô dâu thường mặc áo dài có kiểu dáng sang trọng, lộng lẫy, chú rể có thể mặc áo dài cách tân hoặc vest đều được. Đội ngũ bưng quả  thì nữ mặc áo dài bưng quả phù hợp với tone màu áo dài của cô dâu nhưng không được nổi bật ngang hoặc hơn cô dâu, nam thì thường mặc quần tây đen, áo sơ mi trắng, đeo giầy đen, cà vạt. Số nam nữ bưng quả bằng nhau.

Các bậc là bà, mẹ, cô, dì..  của  cô dâu chú rể cũng thường mặc áo dài, các bậc cha  chú thì mặc quần tây áo sơ mi, giày đen chỉnh tề. Nếu có trẻ nhỏ cũng nên  cho ăn mặc lịch sự, chỉn chu như người lớn.

Thủ tục ăn hỏi: Chuẩn bị trước bài phát biểu trong lễ ăn hỏi tại nhà gái

Bài phát biểu trong lễ ăn hỏi ở cả ba miền đều không có sự khác biệt lớn. Cả nhà trai và nhà gái đều cần chuẩn bị cho mình ít nhất một bài phát biểu (đối với họ nhà gái), và 2 bài phát biểu (với họ nhà trai) mang tính chất trang trọng, thể hiện lòng thành. Dưới đây là một số mẫu bài phát biểu trong thủ tục đám hỏi họ nhà trai

Chi phí cho đám hỏi: Cần chuẩn bị những gì?

Bài phát biểu thưa chuyện với nhà gái

“Kính thưa quan viên hai họ, kính thưa các cụ ông, cụ bà, cha mẹ, họ hàng thân thích và bạn bè của cô dâu chú rể cùng toàn thể các vị quan khách có mặt ở đây. Trước tiên, tôi xin đại diện nhà trai gửi lời chào trân trọng nhất đến gia đình nhà gái, kính chúc các ông, các bà bên họ nhà gái sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc.

Tôi xin xép được giới thiệu các thành phần tham dự của gia đình nhà trai hôm nay gồm có: Tôi là Nguyễn Văn A, là bác (chú/cô/ dì/…) của cháu Nguyễn Văn B… đồng thời là đại diện nhà trai. Còn đây là bà… là bà nội/ bà ngoại của cháu B , tiếp đến là bố mẹ và… của cháu. (giới thiệu theo thứ bậc trong gia đình, từ cao đến thấp, từ nội đến ngoại).

Sau một thời gian quen biết và tìm hiểu lẫn nhau, tình cảm đã chín mùi, cháu B và cháu C đều có mong muốn được về chung một mái nhà, chính thức trở thành vợ chồng của nhau. Thể theo nguyện vọng của hai cháu và được sự cho phép của nhà gái, hôm nay đoàn nhà trai chúng tôi đến đây để ra mắt với nhà gái,  đồng thời xin phép họ nhà gái tác thành cho hai cháu được đến với nhau.

Nhân dịp lễ ăn hỏi hôm nay, họ nhà trai chúng tôi chuẩn bị … tráp lễ vật đưa tới nhà gái, kính mong nhà gái chấp thuận để hai cháu được nên duyên vợ chồng. Sau đây, tôi xin được mời mẹ của cháu B (tên chú rể), và mẹ của cháu C (tên cô dâu) cùng nhau mở tất cả các tráp lễ mà nhà trai đưa đến.  Nhà trai chúng tôi rất hy vọng gia đình nhà gái sẽ chấp thuận sính lễ và đồng ý cho hai cháu được ở bên nhau, nên duyên hạnh phúc.”

Chi phí đám cưới nhà gái đầy đủ và chi tiết nhất

Mẫu bài phát biểu cảm ơn của họ nhà trai sau khi thực hiện xong nghi thức đám hỏi và xin phép ra về

“ Thay mặt toàn thể gia đình họ nhà trai, tôi xin chân thành cảm ơn họ nhà gái đã tiếp đón chu đáo để buổi lễ ăn hỏi hôm nay diễn ra thành công tốt đẹp. Đối với hai cháu B và C (tên cô gái và chàng trai), từ hôm nay trở đi, hay cháu đã là con trong gia đình, là vợ chồng tương lai của nhau. Chúng tôi hy vọng cả hai sẽ yêu thương nhau, cùng nhau sát cánh trên con đường đời và làm tròn bổn phận con cháu đối với gia đình hai bên.

Gia đình nhà trai chúng tôi cũng cảm ơn các ông bà, các cô bác, anh chị em đã tham dự buổi lễ dạm hỏi hôm nay. Kết thúc buổi lễ, chúng tôi xin được phép ra về và hẹn gặp lại gia đình nhà gái trong buổi lễ đón dâu và lễ thành hôn sắp cưới”.

Mẫu bài phát biểu trong nghi thức ăn hỏi của họ nhà gái

Không chỉ nhà trai, họ nhà gái cũng cần có một bài chuẩn bị để thể hiện thành ý đón nhận sính lễ và chấp thuận gả con gái mình về làm dâu cho họ nhà trai. Bạn có thể tham khảo mẫu phát biểu sau:

“Trước tiên, tôi xin tự giới thiệu tôi là Trần Văn A, là… của cháu C (tên cô dâu), đồng thời cũng là người đại diện phát biểu của họ nhà gái. Tham dự buổi lễ ăn hỏi hôm nay, họ nhà gái chúng tôi gồm có: ông/bà, bố mẹ, các bác, cô,… và anh/ chị/ em của cháu C (giới thiệu theo thứ bậc trong gia đình).

Hôm nay là ngày lành tháng tốt, nhà trai đã có lời thưa chuyện, nên trước hết, gia đình họ nhà gái chúng tôi xin trân trọng cảm ơn họ nhà trai đã chuẩn bị lễ vật đính ước chu đáo. Nhân đây chúng tôi cũng xin được phép chấp thuận để hai cháu tiến đến hôn nhân, chính thức trở thành vợ chồng của nhau. Bắt đầu từ giờ phút này, coi như cháu B và cháu C đã là con rể, con dâu của cả hai nhà, nếu hai cháu có điều gì còn nhỏ dại, mong gia đình dạy dỗ hai cháu để cả hai làm tròn bổn phận con cháu đối với hai họ.

Nhà gái chúng tôi cũng hy vọng cuộc sống vợ chồng của hai cháu được hạnh phúc, gắn bó bên nhau trọn đời. Thay mặt nhà gái, tôi xin mời họ nhà trai ngồi xuống uống chén trà, ăn miếng trầu để bàn chuyện và mừng hạnh phúc cho hai cháu”.

Quy trình lễ ăn hỏi

thủ tục ăn hỏi

Dù bạn ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam, thì quy trình lễ ăn hỏi, lễ đính hôn cũng đều tương tự như nhau.

Nhà trai tiến đến nhà gái để tiến hành lễ ăn hỏi

Tất cả các lễ vật phải được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt và bày vào quả sơn son thiếp vàng (mâm đồng đánh bóng & phủ vải hỷ màu đỏ). Nếu gia đình nào muốn theo truyền thống ngày xưa thì đội ngũ bưng quả cần khăn áo chỉnh tề, đeo dây thắt lưng đỏ, hoặc thay thế bằng áo dài bưng quả màu đỏ (đối với các cô gái).

Đội bưng quả nhà trai sẽ dừng lại cách nhà gái khoảng 100 mét, sắp xếp đội hình cho đẹp mắt, thứ tự mâm quả phù hợp rồi. Đến giờ lành, nhà trai sẽ có người vào xin phép đượ đội lễ vào nhà gái và đứng đối diện với các cô gái bưng quả bên nhà gái (đã xếp hàng chờ sẵn) rồi trao quả. Lưu ý: Đi đầu là những người có vai vế lớn, từ ông bà, bố mẹ, chú rể rồi mới đến đội nam bê tráp và sau đó mới là các thành viên khác.

Xem thêm: Kịch bản lễ ăn hỏi, lễ đính hôn

Màn chào hỏi, mời nước giữa hai gia đình và trao lễ vật đính hôn

Sau khi đội ngũ ổn định, hai gia đình thực hiện chào hỏi nhau, nhà gái mời nước và đại diện nhà trai sẽ đọc bài phát biểu chào hỏi, đồng thời giới thiệu các lễ vật có trong mâm quả. Đại diện nhà gái đứng lên phát biểu lời cảm ơn và mở lời đón nhận sính lễ từ nhà trai, mở nắp tráp.

Cô dâu ra mắt, chào  hỏi hai bên gia đình

Sau khi nhận tráp từ nhà trai, hai bên gia đình sẽ ngồi xuống trò chuyện, bên nhà gái cho phép chú rể lên phòng đón cô dâu xuống để chào hỏi gia đình hai họ. Trường hợp bên nhà trai có đem theo áo dài cưới cô dâu qua thì chú rể sẽ đem áo dài đến cho cô dâu thay rồi mới ra chào hỏi. Cô dâu sẽ chào hỏi và rót nước trà mời gia đình chú rể, ngược lại, chú rể sẽ rót nước và mời phía bên gia đình cô dâu để tỏ lòng hiếu thảo, chính thức ra mắt cha mẹ chồng (vợ) tương lai.

Dâng vật phẩm dẫn cưới và thắp hương lên bàn thờ tổ tiên của nhà gái

Sau khi cô dâu ra mắt gia đình hai họ, mẹ cô dâu sẽ lấy từ mâm ngũ quả một số vật phẩm & lễ đen (tiền dẫn cưới) để mang lên bàn thờ và thắp hương trình cúng ông bà, tổ tiên. Sau đó, bố mẹ của cô dâu cũng sẽ đưa cô dâu & chú rể lên để thắp hương trên bàn thờ gia tiên của nhà gái để chú rể chính thức ra mắt ông bà, tổ tiên bên nhà gái. Hoàn tất xong thủ tục này, chú rể sẽ chính thức được coi như một thành viên mới của gia đình nhà gái, được tổ tiên thừa nhận.

Gia đình hai bên  bàn bạc, thống nhất ngày – giờ tổ chức đám cưới & lễ rước dâu.

Thực hiện xong nghi lễ thắp hương ra mắt tổ tiên, gia đình hai bên sẽ ngồi xuống cùng nhau bàn bạc và thống nhất ngày – giờ tổ chức đám cưới & lễ đón dâu lại lần nữa và nói những câu khách sáo, gửi gắm con cháu. Trong khoảng thời gian này, cô dâu chú  rể sẽ cầm ấm trà đi rót nước cho các quan khách và chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người.

Nhà gái mời tất cả quan khách hai bên ở lại dùng bữa cơm thân mật

Thông thường, khi kết thúc lễ ăn hỏi nhà gái sẽ mở lời mời tất cả các quan khách ở lại cùng ăn bữa cơm thân mật, kể cả nhà trai. Bàn gia đình họ nhà trai và nhà gái sẽ ngồi chung với nhau, đội ngũ bưng quả sẽ ngồi bàn riêng.

Nhà gái lại quả cho nhà trai & hai bên trao lì xì cho nhau trong thủ tục ăn hỏi

Trong thủ tục ăn hỏi ở miền Bắc hoặc miền Nam, các lễ vật như bánh trái, cau, chè đều được nhà gái để dành lại một ít trong khay để “lại quả” (chuyển lại) cho nhà trai khi kết thúc buồi lễ. Sau khi nhà trai phát biểu cảm ơn và xin phép ra về, sẽ đến phần lại quả. Phần này sẽ do đội bưng quả nữ trao cho đội bưng quả nam (cũng xếp thành hai hàng đối diện, thông thường không thay đổi vị trí các cặp bưng quả với nhau).

Lưu ý: Khi trao lại cau tuyệt đối không được dùng dao cắt mà phải dùng tay để xé (vì nếu dùng dao hoặc kéo, người xưa quan niệm là điềm gở, chặt hoặc cắt đứt tơ duyên). Đồ lại quả phải là số chẵn (thường là số 10). Khi nhà gái trả lại mâm tráp thì phải để ngửa nắp tráp lên, tuyệt đối không được đóng nắp tráp lại như lúc đầu. Trong lúc lại quả, đội bưng quả sẽ lén trao lì xì cho nhau ở dưới tráp. Phong tục này theo quan niệm là để tránh “mất duyên”. Dù ngày nay, khoa học chứng minh việc bưng quả không ảnh hưởng gì đến duyên vợ chồng sau này của đội ngũ bưng quả thì đây vẫn là một truyền thống tốt đẹp và  khá thú vị mà hầu như mọi đám cưới đều có.

Một số điều thú vị trong thủ tục ăn hỏi mà có thể bạn chưa biết

  • Trong những gia đình xưa, sau lễ ăn hỏi nhà gái thường dùng các lễ vật mà nhà trai đưa đến, chia  ra từng gói nhỏ để làm quà biếu cho họ hàng, bà con làng xóm, bạn bè,… Nhằm mục đích thông báo tin vui rằng con gái đã có nơi có chốn.
  • Ngày  xưa, cô dâu thường mặc áo dài đám hỏi màu đỏ, đội mấn cao trên đầu. Hiện nay  trang phục đám hỏi  đã  hiện đại hơn, cô dâu có thể chọn bất cứ màu  sắc  nào mà mình yêu thích, chỉ cần  thể hiện được sự long trọng, nổi  bật, lịch sự và trang nghiêm.
  • Dù việc chia bánh trái, cau chè là số chẵn thì  cũng phải  là từ bội số của số 2, kiêng chia 2 quả, tức là phải chia mỗi  nơi  4 quả cau, 4 lá trầu trở lên. Ngày  nay, việc  chia  bánh trái  thường kèm theo tấp thiệp  của  đôi bên hai họ báo tin đính hôn của đôi uyên ương. Nếu ngày kết hôn cách ngày đám hỏi khá gần thì trong tấm thiếp sẽ ghi rõ hôn lễ được tổ chức vào  ngày nào.

Xem thêm: Chi phí cho đám hỏi là bao nhiêu?

Trên đây là những nghi thức, trình tự diễn ra, thủ tục ăn hỏi ở miền Bắc & miền Nam. Về  cơ bản, thì nghi thức đều giống nhau  nhưng sẽ có  một số sự khác  biệt về số lượng tráp và các vật dẫn cưới. Nhưng nhìn chung thì trầu cau, rượu, chè, thuốc lá, bánh trái và heo sữa quay là những món đồ không thể thiếu trong đám hỏi. Về phần thềm – bớt gì tùy gia đình lại là một chuyện khác nhé!

0/5 (0 Reviews)