Nội Dung
Số tiền mà chúng ta cần chi cho một đám cưới gồm rất nhiều khoản từ thiệp cưới, trang trí đám cưới, cỗ bàn, quay phim, chụp ảnh,… Chính vì thế, những câu hỏi như “Chi phí đám cưới bao nhiêu là đủ? Chi phí đám cưới do ai chi?” luôn được đặt ra và khiến cô dâu, chú rể cảm thấy hết sức đau đầu. Hiểu được băn khoăn này của các cặp đôi trẻ, trong bài viết hôm nay, Á Châu Media xin tổng hợp và giới thiệu danh sách các khoản chi và số tiền tương ứng để các bạn tham khảo và dự trù chi phí đám cưới trọn gói.
Dự trù chi phí đám cưới trọn gói: Chi phí cho các trình tự cơ bản của lễ cưới
Theo nghi thức cưới hỏi truyền thống của người Việt Nam, để có thể đến được với nhau, cô dâu, chú rể phải trải qua các trình tự với số chi phí bỏ ra tương ứng. Cụ thể như sau:
Chi phí lễ dạm ngõ
Lễ dạm ngõ được coi là buổi gặp gỡ của hai gia đình để cha mẹ hai bên lên kế hoạch và chuẩn bị cưới.
Thông thường, gia đình nhà trai sẽ dặn trước thời gian, ngày giờ cụ thể và số lượng người để nhà gái chuẩn bị trước. Thành phần nhà trai đi dạm ngõ thường từ 5 đến 7 người bao gồm bố mẹ, chú rể, cô, chú, họ hàng ruột thịt khác trong gia đình như ông bà, cô bác,..
Theo số lượng người được báo trước, nhà gái cũng mời số lượng họ hàng tương ứng để cân bằng với nhà trai. Trong ngày này, nhà trai phải mang lễ vật đến nhà gái. Còn nhà gái sẽ tổ chức một bữa ăn thân mật mời nhà trai.
Chi phí lễ dạm ngõ nhà trai
Nhà trai cần chuẩn bị quà lễ nên chi phí lễ ăn hỏi thường cao hơn. Phần lễ gồm 1 khay trầu, 2 chai rượu, 2 phần trà, bánh mứt và một giỏ hoa tươi. Chi phí cho phần lễ thường từ 2 triệu đồng trở lên.
Theo phong tục truyền thống, cùng với lễ vật, nhà trai còn phải chuẩn bị thêm phong bì tiền cheo tượng trưng. Số tiền này dao động từ 2 đến 5 triệu đồng tùy gia cảnh (không bắt buộc).
Chi phí lễ dạm ngõ nhà gái
Vào ngày dạm ngõ, gia đình nhà gái cần quét dọn bàn thờ gia tiên, cắm hoa và bày biện hoa quả. Chi phí cho phần này chỉ khoảng 500.000 đến 700.000 đồng. Trong ngày này, nhà gái sẽ mời nhà trai một bữa ăn thân mật. Với số lượng khoảng 14- 15 người, tự nấu ăn tại nhà cần chi khoảng 3 đến 4 triệu đồng, thêm nước uống khoảng 500.000 đồng.
Trong trường hợp gia đình nhà gái muốn đãi khách ở các nhà hàng sang trọng hơn, thì chi phí mỗi bàn tiệc khoảng 1,5 đến 3 triệu đồng mỗi bàn (tùy chọn món và đồ uống).
Chi phí lễ ăn hỏi
Trong lễ ăn hỏi, nhà trai phải mang lễ vật tới nhà gái. Nhà gái nhận lễ tức là chính danh công nhận sự gả con gái cho nhà trai. Và kể từ ngày ăn hỏi, đôi trai gái có thể coi là đôi vợ chồng chưa cưới, chỉ còn chờ ngày cưới để công bố với hai họ.
Vì là một trong những ngày quan trọng nhất trước khi đôi bạn trẻ kết thành phu thê, gia đình nhà trai, gia đình nhà gái Việt thường chuẩn bị trang phục, tráp lễ rất cẩn thận.
Số tráp thường là số lẻ (3- 5- 7- 9- 11) với lễ vật bao gồm trầu, cau, mứt sen,bánh cốm, chè, rượu, thuốc lá, bánh đậu xanh, bánh phu thê, lợn sữa quay, tiền dẫn cưới,…
Ngày này, gia đình đôi bên trai gái cũng cần nhờ bạn bè (hoặc thuê) đội dẫn lễ để bê tráp. Nếu thuê đội dẫn lễ thì số chi phí gia đình cần chi trả sẽ tăng lên (số tiền này phụ thuộc vào gói chụp ảnh cưới).
Chi phí lễ ăn hỏi nhà trai
Trang phục cho chú rể hôm ăn hỏi: 2 đến 5 triệu đồng ( nếu may hoặc mua).
- Tráp ăn hỏi: 5 đến 6,5 triệu đồng (5 tráp); 6,5 đến 8 triệu đồng (7 tráp); 8 đến 10 triệu đồng (9 tráp).
- Tiền lì xì để trong tráp: 500.000 đến 900.000 đồng (phụ thuộc vào số lượng tráp và kinh tế từng gia đình).
- Tiền trang phục cho bố mẹ chú rể: 4 triệu đồng (nếu mua), 600.000 đồng (nếu thuê).
- Trang điểm cho mẹ của chú rể ngày ăn hỏi: 300.000 đến 500.000 đồng.
Chi phí lễ ăn hỏi nhà gái
- Trang phục cô dâu trong ngày ăn hỏi: Cô dâu có thể sử dụng trang phục được cung cấp cùng với gói chụp hình cưới hoặc thuê áo dài có màu sắc, kiểu dáng đẹp bên ngoài với giá khoảng 2,5 triệu đồng.
- Tiền lì xì để trong tráp: 300.000 đến 900.000 đồng (phụ thuộc vào số lượng tráp cũng như kinh tế từng gia đình).
- Tiền trang phục cho bố mẹ cô dâu: 4 triệu đồng (nếu mua), 600.000 đồng (nếu thuê).
- Trang điểm cho mẹ của cô dâu ngày ăn hỏi: 300.000 đến 500.000 đồng.
- Chi phí cho bữa cơm thân mật: 8 triệu đồng
Chi phí lễ cưới
Lễ cưới được tổ chức nhằm thông báo rộng rãi về sự chấp nhận hoặc sự chứng kiến của gia đình/ xã hội về cuộc hôn nhân của một cặp đôi. Lễ cưới Việt thường được kết hợp với tiệc cưới để trở thành lễ thành hôn.
Đối với người Việt Nam, lễ cưới có giá trị cao hơn cả giấy chứng nhận kết hôn. Sự quan tâm lớn của xã hội và buổi lễ khiến đôi bên gia đình cô dâu, chú rể phải đảm bảo để có thể làm hài lòng những người tham dự.
Chi phí in thiệp cưới
Thiệp cưới đẹp là một yếu tố làm nên sự viên mãn cho đám cưới. Nó không chỉ là một lời mời với thời gian, địa điểm rõ ràng mà còn là sự thông báo chính thức về sự nên duyên của đôi trẻ.
Để chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại và thiêng liêng ấy, đôi bên gia đình đừng quên chuẩn bị những tấm thiệp mời đám cưới xinh xắn, đáng yêu hoặc độc lạ tùy thích nhé.
Thiệp cưới tại Việt Nam thường là thiệp in với mức giá dao động từ 500.000 đến 800.000 đồng (cho khoảng 200 khách).
Chi phí chụp ảnh cưới
Chi phí chụp ảnh cưới trung bình dao động ở mức 10 đến 20 triệu đồng với sản phẩm cuối cùng là album và ảnh để cổng. Tùy theo lựa chọn của cô dâu chú rể (chụp ảnh tại studio, chụp ảnh ngoại cảnh, chụp ảnh phim trường,…) mà mức phí sẽ được tùy chỉnh.
Chi phí trang điểm, quay phim, chụp ảnh trong lễ thành hôn
Vào ngày cưới, cô dâu, chú rể cần chuẩn bị váy cưới, áo dài, veston, trang điểm, hoa cưới cầm tay, chụp hình, quay phim,… Tổng chi phí cho mục này khoảng 8 đến 15 triệu đồng. Trong đó chụp hình có mức giá khoảng 2,5 đến 8 triệu; quay phim phóng sự có giá khoảng 4 đến 6 triệu.
Chi phí rạp cưới- trung tâm tiệc cưới
Nếu bạn tổ chức tiệc cưới tại gia thì phải tính đến số tiền thuê bộ rạp cưới, bàn ghế là bao nhiêu. Trong khi đó, nếu bạn tổ chức ngoài trung tâm tiệc cưới thì sẽ mất thêm một khoản tiền chi cho việc thuê không gian địa điểm tổ chức lễ cưới.
Cụ thể như sau:
- Bàn ghế Chiveria với nơ voan, cài hoa, khăn ren cho cô dâu chú rể: 400.000/ bộ.
- Bàn ghế Vip cho cha mẹ đôi bên: 250.000/ bộ
- Bàn ghế thông thường cho khách mời (có áo, nơ, khăn): 150.000/ bộ
- Bộ rạp cưới cao cấp (trần, thảm, pha lê thả, đèn chùm, pha lê chùm đài hoa, lụa voan): 150.000- 200.000 đồng/ mét vuông.
Chi phí trang trí tiệc cưới
Tổ chức tiệc cưới không chỉ tốn kém mà còn mất thời gian để chuẩn bị. Để tiết kiệm thời gian và công sức của bạn, tránh những lỗi không đáng có, giải pháp hiệu quả nhất được nhiều gia đình lựa chọn là thuê Wedding Planner. Wedding Planner là người tổ chức đám cưới, tổng đạo diễn sắp xếp mọi công việc liên quan đến cưới hỏi cho cô dâu, chú rể giúp cặp đôi giảm thiểu áp lực trước và trong tiệc cưới. Mức phí thuê Wedding Planner hiện nay tương đối cao so với một số gia đình. Chi phí cần để có một lễ cưới ấn tượng, độc đáo tại các nhà hàng, khách sạn sang trọng rơi vào khoảng 150 đến 250 triệu đồng.
Khi lựa chọn thuê Wedding Planner, hãy chọn trang trí tiệc cưới trọn gói; tránh sử dụng riêng lẻ từng hạng mục trang trí vì điều đó sẽ làm chi phí tăng lên khá nhiều.
Nếu không có ngân sách dồi dào, bạn có thể nhờ bạn bè, người thân tiến hành trang trí không gian lễ cưới ngay tại nhà với số tiền cần bỏ ra ít hơn. Các bạn nên lưu ý, điều quan trọng nhất khi tổ chức cưới là không nên vượt quá khả năng chi tiêu của mình và tận hưởng những giây phút hạnh phúc với người tham dự.
Chi phí đãi tiệc nhà hàng
Một tiệc cưới tại nhà hàng thông thường sẽ bao gồm 4 khoản phí chính bao gồm: chi phí cho thực đơn; chi phí cho nước uống; phí phục vụ và chi phí cho các dịch vụ đi kèm khác.
Nhiều cặp vợ chồng không tiếc tiền cho khoản phí thực đơn, bởi lẽ ấn tượng của hầu hết các vị khách trong đám cưới Việt sẽ đặt nặng vào mức độ ngon của món ăn.
Nếu đôi bên gia đình muốn cỗ cưới với mức giá tầm trung thì chi phí sẽ dao động từ 3 đến 4 triệu đồng. Tuy nhiên nếu kinh tế không dư dả, bạn vẫn hoàn toàn có thể chọn bàn tiệc cưới với chi phí hợp lý hơn trong khoảng 1,5 đến 2,5 triệu đồng.
Chi phí quan trọng khác trong lễ thành hôn
Trong ngày lễ thành hôn, bên cạnh cỗ cưới, nhà trai và nhà gái còn cần chi thêm các khoản phí khác như tiền nữ trang, nhẫn cưới cho cô dâu; tiền nộp tài; tiền xe hoa;…
Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà mức chi phí có thể nhiều hoặc ít hơn. Với gia đình giàu có, nữ trang cho cô dâu có thể đáng giá vài chục đến vài trăm triệu đồng. Nhưng với những gia đình gia cảnh hạn chế, nữ trang có thể đơn giản hơn.
Mức chi phí mà chúng tôi giới thiệu dưới đây là mức phí trung bình cho những gia đình có điều kiện kinh tế ở mức trung bình.
Chi phí đám cưới trọn gói đối với nhà trai
(1) Tiền nhẫn cưới, nữ trang cho cô dâu vào ngày lễ cưới.
- Nhẫn cưới : từ 4 đến 6 triệu đồng
- Bông tai: từ 3 đến 5 triệu đồng
- Dây chuyền/vòng cổ: từ 7 đến 10 triệu đồng
- Lắc tay: từ 7 đến 10 triệu đồng
(2) Mâm quả: từ 3 đến 5 triệu đồng
(3) Tiền nộp tài: từ 5 đến 20 triệu đồng tùy theo phong tục địa phương và hoàn cảnh gia đình.
(4) Thuê xe hoa, xe họ hàng đi rước dâu: từ 3 đến 6 triệu đồng tùy từng loại xe và khu vực thuê xe (thuê xe tại nội thành thành phố lớn có giá cao hơn so với những khu vực ngoại thành, nông thôn).
(5) Hoa tươi trang trí trên xe: 1 đến 4 triệu đồng tùy loại hoa.
(6) Trang phục cho bố mẹ: 1,8 đến 2 triệu đồng.
(7) Make up cho mẹ và người nhà của chú rể: 600.000 đến 1,2 triệu đồng.
(8) Thuê đội bưng quả và tiền lì xì: 1 đến 1,5 triệu đồng.
(9) Trái cây, bánh kẹo, nước uống cho buổi lễ: 4 triệu đồng.
(10) Tiền sửa chữa, mua sắm cho phòng tân hôn: 5 đến 10 triệu đồng.
(11) Chi phí phát sinh khác: 5 triệu đồng.
Chi phí đám cưới trọn gói đối với nhà gái
(1) Tiền nữ trang bố mẹ cho cô dâu: 5 đến 20 triệu đồng.
(2) Thuê xe họ hàng đi đưa dâu: 2 đến 3.5 triệu đồng. Giá ngày thường rẻ hơn thứ 7, CN một chút. Giá cũng khác nhau tùy theo loại xe.
(3) Thuê trang phục cho bố mẹ cô dâu: từ 1,8 đến 2 triệu đồng.
(4) Make up cho mẹ và người nhà cô dâu: 600.000 đến 1,2 triệu đồng.
(5) Thuê đội bưng quả và tiền lì xì: 1 đến 1,5 triệu đồng.
(6) Trang trí bàn gia tiên, bàn ghế nhà cửa: 3.5 đến 4 triệu đồng.
(7) Trái cây, bánh kẹo, nước uống cho buổi lễ vu quy: 4 triệu đồng.
(8) Chi phí phát sinh khác: 5 triệu đồng.
Lưu ý: Trên đây là bảng dự trù ngân sách đám cưới mà chúng tôi đưa ra để các bạn tham khảo. Chi phí đám cưới thực tế nên được liệt kê sao cho phù hợp với điều kiện của từng gia đình. cũng như truyền thống văn hóa của từng địa phương.
Hướng dẫn lên chi phí đám cưới trọn gói
Ngân sách lớn hay nhỏ sẽ quyết định đến hình thức cũng như cách tổ chức tiệc cưới ra sao. Chính vì thế, để lên ngân sách chính xác, hạn chế các chi phí phát sinh bất ngờ, cô dâu, chú rể nên lưu ý những vấn đề sau:
Liệt kê các khoản chi càng chi tiết càng tốt
Mỗi đám cưới sẽ có rất nhiều danh mục bạn cần chi tiêu. Vì thế việc bạn đầu tiên bạn cần làm để có thể dự trù được chi phí đám cưới trọn gói là liệt kê ra tất cả các khoản chi mà bạn nghĩ tới.
Chắc hẳn không ai mong muốn chi phí vượt quá ngân sách đã hoạch định. Với danh sách khoản phí đã liệt kê chi tiết, bạn sẽ có thể phần nào hình dung được số tiền tổng thể phải chi cho ngày vui của mình.
Liệt kê các khoản chi càng cụ thể bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Bạn nên nhớ, càng chi tiết được từng đầu mục chi phí thì tỉ lệ phát sinh những rủi ro là cực kỳ thấp.
Khảo sát giá cả thị trường
Việc khảo sát giá cả thị trường là một trong những công việc không thể thiếu trong đám cưới. Dựa vào danh sách những khoản chi phí cần thiết cho đám cưới bạn đã lên từ trước, hãy tham khảo nhiều dịch vụ trọn gói ngày cưới xem bên nào có giá tốt hơn.
Tuy nhiên, khi xem xét về giá cả, bạn cũng cần cân nhắc xem địa chỉ đó có uy tín hay không. Đừng vì tham rẻ mà chọn đơn vị cung cấp không uy tín.
Lên danh sách khách mời
Để xác định chính xác số lượng khách dự đám cưới, bạn chỉ nên mời những người thân thiết và chắc chắn sẽ đến dự đám cưới của bạn.
Theo kinh nghiệm chuẩn bị đám cưới của nhiều cặp đôi, số khách dự đám cưới chỉ khoảng 80% khách được mời. Vì vậy, hãy tính số bàn thực tế bằng 80% số khách dự định mời và thêm một vài bàn dự phòng để tránh lãng phí.
Nếu cẩn thận hơn, khi trao thiệp mời, bạn có thể khéo léo hỏi để biết vị khách của bạn có tới dự đám cưới hay không. Hoặc trước đám cưới một tuần, bạn có thể gọi điện cho họ để xác nhận lại việc này. Bạn cũng nên hỏi bạn bè có đi cùng người thân hoặc trẻ nhỏ không để sắp xếp chỗ hoặc chuẩn bị những món quà cưới dễ thương nhỏ cho các bé như đồ chơi, bóng bay.
Họp mặt hai bên gia đình
Ngay sau khi quyết định ngày thành hôn, đôi bên gia đình nên cùng nhau ngồi và bàn bạc, trao đổi, thống nhất về việc tổ chức tiệc cưới riêng hay chung. Để từ đó xác định khoản phí nào bên nhà gái sẽ chịu, khoản khí nào bên nhà trai chị và khoản phí nào hai bên gia đình sẽ chia đôi.
Hi vọng bài viết này các đôi uyên ương đã nắm được phần nào chi phí đám cưới trọn gói. Các bạn hãy cùng nhau xác định phong cách đám cưới yêu thích của mình để nhanh chóng chuẩn bị ngân sách hợp lý. Điều này sẽ giúp bạn tránh được những khoản phát sinh không mong muốn đấy!